Năm 2008 ngành giấy có rất nhiều biến động, nhu cầu thị trường giấy tăng tới 24% so với năm 2007. Đặc biệt là tình trạng thiếu giấy “ảo” do sự chênh lệch giá bán của giấy trong nước thấp hơn giấy nhập ngoại cùng chủng loại từ 1 - 3 triệu đồng/tấn khiến khách hàng trong nước và khu vực đổ xô vào mua giấy của Việt Nam.

Theo nhận định của các nhà sản xuất giấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm giấy hiện nay là do “cầu vượt cung”. Trong khi lượng giấy sử dụng tại các nhà in tăng đột biến thì sản lượng giấy của các nhà sản xuất không tăng. Hơn nữa, giấy trên thị trường thế giới cũng đang trong thời kỳ khan hiếm.

Vì vậy, giá giấy nhập khẩu tăng mạnh. Mỗi tấn giấy nhập khẩu ở thời điểm tháng 3/2008 trung bình là 600 USD thì đến nay đã tăng lên 980 USD/tấn. Do giá giấy trong nước thấp hơn giá giấy nhập ngoại, đã khiến cho khách hàng quay về với giấy nội, tạo nên sức ép khá lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước.

Đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) dự báo: năm 2008, sản xuất giấy có khả năng đạt trên 1,3 triệu tấn, tăng 18% so với năm 2007, trong đó giấy in báo tăng 31%, giấy in và viết tăng 16%, giấy làm bao bì tăng 25, 57%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Các loại giấy có chất lượng tương đương với giấy nhập khẩu cũng đạt đến công suất tối đa.

Lượng giấy tiêu dùng ở Việt Nam cả năm 2008 dự kiến đạt mức trên 2,2 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2007, trong đó tăng mạnh nhất là giấy in và viết (49%), tiếp đến là giấy bao bì (35%), giấy in báo (15%). Hiện các nhà nhập khẩu giấy của khu vực rất quan tâm tới việc nhập khẩu giấy sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên các nhà sản xuất của Việt Nam không thể đáp ứng vì không còn giấy để bán.

Nhằm đáp ứng cung cầu mặt hàng giấy ngày càng cao của thị trường, Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy giấy tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (để di dời Nhà máy Giấy Tân Mai ra khỏi thành phố Biên Hòa) với công suất 150 nghìn tấn giấy báo/năm và nhà máy bột và giấy tại Tây Nguyên với công suất 130 nghìn tấn bột giấy/năm và 200 nghìn tấn giấy/năm.

Ngày 3/7/2008, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chấp thuận cho Dự án chuyên sản xuất bột giấy cơ học quy mô 200.000 tấn/năm có độ trắng 72 - 80%, dây chuyền sấy bột thương phẩm và các hệ thống phụ trợ khác của Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai với thiết bị đã mua của Canada. Dự án này đặt tại cụm Công nghiệp Đạ Oai, thuộc xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, xây dựng trong thời gian từ 2008 - 2010.

Tiếp đó, đến ngày 27/8/2008, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn chấp thuận dự án đầu tư Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Tân Mai theo kế hoạch mở rộng, có tổng số vốn 199 triệu USD, trên diện tích 44 ha, công suất 130 nghìn tấn bột BCTMP/năm và 200 nghìn tấn giấy in cao cấp/năm, với thời gian thi công từ năm 2008 - 2011.

Nhận định về việc đầu tư nhà máy tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế chỉ rõ 3 lợi ích Nhà máy mang lại cho tỉnh là: Nâng cao giá trị nguyên liệu gỗ của tỉnh hiện nay, vì phần lớn các nhà máy sản xuất dăm gỗ trên địa bàn tỉnh vẫn đang xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị thấp. Lợi ích thứ hai là khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần chuyển đổi việc sản xuất lâm nghiệp hiện nay của tỉnh thành việc sản xuất hàng hoá.

Và thứ ba là trong quá trình trồng rừng nguyên liệu, công ty sẽ đưa các loại nguyên liệu có năng suất cao vào sản xuất, đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng những kỹ thuật trồng trọt, để bảo vệ rừng, phủ xanh đồi núi.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Ông Trần Đức Thịnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai cho biết, kế hoạch đầu tư phát triển Công ty phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành giấy Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn 2020 đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt tại Quyết định số 07/2007/QĐ-BCN ngày 30/01/2007.

Các dự án của công ty này khi hoàn thành sẽ hạn chế sự thiếu hụt nhu cầu giấy và bột giấy đang ngày càng gia tăng hiện nay và góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất đến năm 2010 của ngành đạt 1.380.000 tấn giấy và 600.000 tấn bột giấy/năm, đến năm 2020 đạt 3.600.000 tấn giấy và 1.800.000 tấn bột giấy/năm.

Những dự án của Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được các vấn đề lớn sau: cung cấp bột giấy chất lượng cao cho sản xuất trong nước, hạn chế mất cân đối giữa sản xuất bột giấy và giấy tại Việt Nam hiện nay, giảm tình trạng phụ thuộc và bột nhập từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của ngành giấy Việt Nam; các dự án nhà máy bột giấy triển khai sẽ góp phần đẩy mạnh trồng rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc trên diện rộng tạo điều kiện chống xói mòn, bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn và miền núi, góp phần ổn định kinh tế, an ninh chính trị vùng sâu vùng xa; suất đầu tư của các nhà máy giấy và bột giấy thấp hơn nhiều so với các dự án đầu tư khác tại Việt Nam hiện nay...

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, để chủ động về nguyên liệu cho các nhà máy khi vào hoạt động từ năm 2011 và tiếp tục ổn định sản xuất lâu dài thì rất cần Chính phủ cho phép vay vốn từ Ngân hàng phát triển Việt Nam để triển khai thực hiện dự án nhà máy sản xuất giấy, bột giấy và vùng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy.

Lãi suất vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam áp dụng theo lãi suất từ từng vùng triển khai dự án nhà máy và vùng nguyên liệu; đối với dự án nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Tây Nguyên đề nghị Chính phủ cho phép Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai được nhận lại mặt bằng 150 ha nhà máy bột giấy Kom Tum trước đây (hiện đã bàn giao cho tỉnh Kom Tum) để công ty đầu tư xây dựng nhà máy và được nhận lại vùng nguyên liệu giấy 17 nghìn ha rừng trồng do Tổng công ty Giấy Việt Nam quản lý để trồng rừng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy và bột giấy Tân Mai-Tây Nguyên.

Đối với vùng nguyên liệu: đề nghị giao cho Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai diện tích vùng nguyên liệu của từng dự án cụ thể để công ty có kế hoạch đầu tư chăm sóc đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy của công ty.

ST